Triển vọng phát triển ngành Ngân hàng và cơ hội việc làm trong tương lai
Thứ tư, Ngày 12 tháng 04 năm 2023 11:58 PM
Ngân hàng lâu nay vẫn được coi là ngành top đầu về lợi nhuận. Năm 2022, trong khi nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, khiến kết quả kinh doanh không như mong muốn, thì ngân hàng vẫn là một trong những ngành đạt kết quả tốt nhất. Lợi nhuận của ngành Ngân hàng trong năm 2022 luôn duy trì tăng trưởng 2 chữ số, trong đó 28 ngân hàng công bố báo cáo tài chính cho thấy lợi nhuận tăng trưởng ở mức 40%.
Năm 2023 được đánh giá là một năm có nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động ngân hàng. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, lạm phát cao; kinh tế trong nước thì xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều sụt giảm....dẫn đến tăng trưởng tín dụng toàn ngành thấp hơn so với kỳ vọng, lợi nhuận trung bình ngành giảm khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, giới phân tích cũng nhận thấy triển vọng phục hồi của nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng trong năm 2024.
Trong năm 2024 và tương lai xa hơn của ngành Ngân hàng sẽ được định hình bởi một số xu hướng lớn, bao gồm cuộc cách mạng kỹ thuật số đang tăng tốc, kỳ vọng mới của người tiêu dùng và những nỗ lực của Chính phủ nhằm chống lại sự bất bình đẳng về kinh tế - xã hội. Theo báo cáo của Economist Impact, các ngân hàng sẽ cần điều chỉnh, tập trung chiến lược vào các mục đích và khả năng sinh lời. Chính điều này đã giúp ngành ngân hàng duy trì sự phát triển trong thời gian tới, lấy lại niềm tin của công chúng, trở nên minh bạch hơn, có đạo đức và lấy khách hàng làm trung tâm, đồng thời tập trung vào việc cung cấp giá trị cho khách hàng và xã hội nói chung.
Các ngân hàng liên tục phải cập nhật chiến lược để theo kịp sự thay đổi trong chính sách quản lý của nhà nước, nhu cầu đa dạng của các phân khúc khách hàng và sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ. Những thay đổi chiến lược đó chỉ có thể được hiện thực hóa nếu họ có trong tay một đội ngũ nhân sự phù hợp. Những thay đổi liên quan đến công nghệ trong ngành Ngân hàng thường đi kèm với những biến động về mặt nhân lực.
Thực tế, công nghệ vừa giúp ngành Ngân hàng phục vụ khách hàng tốt hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn. Nhân sự bị thay thế được đào tạo thêm kỹ năng mới để đảm nhiệm công việc mới. Mặt khác, công nghệ mới cũng đòi hỏi thêm nhân sự am hiểu lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, dữ liệu… để phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số của ngân hàng.
Chính vì vậy, trong thời gian sắp tới, ngành Ngân hàng vẫn là một trong những lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng cao. Các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân, công ty bảo hiểm và các doanh nghiệp liên tục tuyển dụng nhân sự để đáp ứng nhu cầu mở rộng kinh doanh và phục vụ khách hàng. Ngoài ra, trong thời gian tới, với sự phát triển của ngành công nghệ tài chính (fintech) và ngân hàng số, các công ty fintech cũng đang có nhu cầu tuyển dụng nhân lực có kiến thức chuyên sâu về tài chính ngân hàng và công nghệ thông tin.
Tóm lại, cơ hội việc làm trong ngành Ngân hàng vẫn rất lớn và đa dạng về các vị trí công việc, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế ngày càng phát triển và mở rộng trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0
Các vị trí làm việc trong ngân hàng
- Giao dịch viên: là nhân viên thường trực ở các quầy giao dịch của ngân hàng, trực tiếp tiếp xúc, xử lý và hỗ trợ đối với các nhu cầu của khách hàng như uỷ nhiệm chi, thu hộ, chi hộ, mở tài khoản, xử lý thông tin tài khoản, nộp tiền, rút tiền, hạch toán giao dịch,…
- Chuyên viên quan hệ khách hàng: là người trực tiếp phụ trách liên hệ, tư vấn và bán những sản phẩm của ngân hàng cho khách hàng (sản phẩm cho vay, thẻ tín dụng, bảo hiểm, gửi tiền tiết kiệm,…); bên cạnh đó, bạn còn phụ trách tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ khách hàng trước khi chuyển sang bộ phận liên quan để tiến hành thẩm định lại.
- Chuyên viên hỗ trợ tín dụng: Nhân viên hỗ trợ tín dụng được biết đến là vị trí công việc được các ngân hàng tuyển dụng một cách thường xuyên. Mặc dù mức độ cạnh tranh của vị trí công việc này khá cao, nhưng bù lại mức lương nhân viên hỗ trợ tín dụng khá hấp dẫn. Công việc chính của vị trí này là tìm kiếm khách hàng, hỗ trợ, giải đáp cho khách hàng khi có nhu cầu liên quan đến tín dụng.
- Chuyên viên phân tích tài chính:nhân viên thuộc bộ phận này sẽ thực hiện các công việc phân tích những vấn đề liên quan đến tài chính trong ngân hàng. Chẳn hạn, thực hiện các công việc phân tích báo cáo hoạt động và đánh giá hiệu quả các hạng mục tài sản của Bảng cân đối Tài sản của các ngân hàng; các báo cáo quản trị về huy động, tín dụng và các hạng mục tài sản khác hàng ngày theo nội dung phân tích cho báo cáo ALCO; hỗ trợ trong việc xây dựng các tham vấn về nâng cao hiệu quả hoạt động của Bảng cân đối Tài sản,…
- Chuyên viên thanh toán quốc tế: là người thực hiện các giao dịch liên quan đến thanh toán quốc tế cho các khách hàng. Bạn sẽ xử lý các chứng từ, hồ sơ liên quan đến thanh toán quốc tế và phụ trách soạn thảo, triển khai các quy trình, chính sách, hướng dẫn về thanh toán quốc tế.
- Chuyên viên quản lý rủi ro: Chuyên viên quản trị rủi ro được đánh giá là một trong số những vị trí công việc trong ngân hàng có mức lương hấp dẫn. Dựa vào nghiệp vụ chuyên môn sẵn có của mình chuyên viên quản trị rủi ro sẽ thực hiện dự đoán, phân tích các vấn đề, rủi ro có thể xảy ra trong các kế hoạch của ngân hàng. Đây cũng là bộ phận đưa ra phương án giúp ngân hàng giảm thiểu các rủi ro đó.
- Telesales tại ngân hàng:Ngày nay, vị trí nhân viên Telesales đã trở nên rất quen thuộc mà tại ngân hàng, đây cũng là một trong những vị trí rất phổ biến, Với vị trí này, bạn sẽ thực hiện các cuộc gọi tới khách hàng tiềm năng để tư vấn các sản phẩm và dịch vụ. Vị trí này đòi hỏi khác nhiều kỹ năng từ ứng viên.
- Nhân viên kiểm soát, kiểm toán nội bộ: Vị trí nhân viên kiểm soát, kiểm toán nội bộ sẽ thực hiện các công việc liên quan đến quá trình giám sát, kiểm tra các hoạt động của ngân hàng.
- Nhân viên môi giới chứng khoán: Nhân viên môi giới chứng khoán là người trung gian hỗ trợ cho quá trình thực hiện mua bán chứng khoán của khách hàng. Thông qua việc theo dõi, nghiên cứu và phân tích về thị trường cổ phiếu để dự đoán biến động thị trường, bạn sẽ sẽ đưa ra những lời khuyên đầu tư thích hợp nhằm tăng tỉ suất lợi nhuận cho khách hàng.
- Chuyên viên Ngân hàng Nhà nước: (Chuyên viên nghiệp vụ như Thanh tra – giám sát; Kế toán; làm chính sách,…): đảm nhận công việc này bạn có nhiệm vụ tham mưu, giúp lãnh đạo hoặc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, kiểm toán các mặt hoạt động nghiệp vụ tại các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Cách thức tìm kiếm thông tin việc làm trong ngành ngân hàng .
- Trên website của các ngân hàng: Bạn có thể truy cập website của các ngân hàng hoặc công ty tài chính để tìm kiếm thông tin về các vị trí tuyển dụng.
- Mạng xã hội: Hiện nay, Facebook và Linkedin là hai mạng xã hội để bạn có thể tìm việc làm tài chính ngân hàng. Nếu như ở Facebook, bạn có thể tham gia vào các hội nhóm tuyển dụng thì Linkedin là nơi tập trung rất nhiều nhà tuyển dụng.
- Các trang web tuyển dụng: Được xem là cầu nối giữa ứng viên và công ty. Một trong những trang web tuyển dụng được nhiều người biết đến chính là: Vn.indeed.com, Vietnamworks, TopCV, Timviec365,…
- Các kênh thông tin khác : Zalo, diễn đàn …
Cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp ngành Ngân hàng tại Học viện Ngân hàng – Phân viện Phú Yên là gì?
Nhìn chung, việc làm ngành Ngân hàng vẫn còn rất hấp dẫn, từ cơ hội nghề nghiệp cho đến thu nhập. Tuy nhiên, ngành Ngân hàng là một trong những ngành có tỷ lệ cạnh tranh cao, đòi hỏi người lao động phải có kiến thức nghề nghiệp và kỹ năng chuyên môn.
Mục tiêu chính của Học viện Ngân hàng – Phân viện Phú Yên là đạo tạo đội ngũ nhân sự chất lượng cao cho ngành Ngân hàng, vì vậy nội dung của chương trình đã được thiết kế khéo léo, phù hợp sao cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có đủ năng lực để đảm nhận được được các công việc tại hầu hết các tổ chức liên quan như:
- Ngân hàng nhà nước, các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác, công ty kiểm toán;
- Viện nghiên cứu, các trường Đại học;
- Các bộ, ngành, đơn vị sự nghiệp
- Doanh nghiệp và các tổ chức
Cụ thể, sinh viên có thể phát triển nghề nghiệp bền vững với các vị trí nghề nghiệp điển hình như sau:
- Chuyên viên quan hệ khách hàng, thẩm định và quản lý tín dụng
- Giao dịch viên, kế toán viên, kiểm soát viên, kiểm toán ngân hàng và các tổ chức tín dụng
- Chuyên viên Kế hoạch và hỗ trợ ALCO, chuyên viên quản lý rủi ro, chuyên viên nguồn vốn
- Chuyên viên đầu tư, chuyên viên thanh toán quốc tế
- Chuyên viên tư vấn đầu tư, quản lý quỹ đầu tư
- Chuyên viên Ngân hàng Nhà nước (Thanh tra viên, tham mưu chính sách…)