Giáo dục tài chính trong thời đại công nghệ số

Thứ sáu, Ngày 1 tháng 04 năm 2022 08:12 PM

Đây là chủ đề được các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo quốc gia với chủ đề “Giáo dục tài chính góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện trong thời đại công nghệ số” đã được Học viện Ngân hàng tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến vào ngày 31/3.

giao duc tai chinh trong thoi dai cong nghe so
Toàn cảnh hội thảo

Truyền thông hướng đến nhiều đối tượng

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Bùi Hữu Toàn, Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng cho biết, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu tiếp cận các dịch vụ tài chính của người dân ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn những phân khúc khách hàng chưa tiếp cận được với dịch vụ tài chính do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, việc đẩy mạnh phát triển tài chính toàn diện, đặc biệt là các hoạt động phổ cập dịch vụ tài chính để người dân có thể tiếp cận dễ dàng, thuận lợi có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Thực thế, hoạt động truyền thông về tài chính toàn diện đã được triển khai bài bản bằng nhiều hình thức trong thời gian qua. ThS. Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời gian qua, NHNN đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục tài chính với các hình thức sáng tạo, phong phú và đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng mục tiêu như trẻ em, học sinh, sinh viên, người trưởng thành… nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như gameshow “Tiền khéo Tiền khôn”, chương trình đồ họa “Tay hòm chìa khóa”…

Nội dung truyền thông của NHNN đều liên quan trực tiếp đến các vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm trong lĩnh vực ngân hàng như các chủ trương về chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, cách tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; cảnh báo cho người dân khi tiếp cận các dịch vụ ngân hàng…

Chia sẻ về thực tiễn triển khai giáo dục tài chính cho trẻ em tại Mỹ, TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lực Ngân hàng phân tích, đối với trẻ từ 3-6 tuổi, họ hình thành quan điểm, cảm nhận về tiền dựa trên việc đặt tiền bạc trong mối quan hệ với các vấn đề phi tài chính khác (ví dụ tiền không mua được tình bạn), định nghĩa đúng giá trị của tiền thông qua phân biệt thứ trẻ cần và thứ trẻ muốn, và những rủi ro đi kèm.

Với trẻ từ 7-13 tuổi luôn có những bài tập yêu cầu sự phối hợp và hướng dẫn của phụ huynh để hoàn thành, tăng tính thực tiễn và hiệu quả trong việc giáo dục tài chính; từ lứa tuổi 14-18 tuổi, họ tập trung vào các vấn đề cá nhân gắn liền với các sự kiện trong cuộc sống như so sánh lựa chọn trường cao đẳng/đại học với chi phí cùng là một thông tin cần tính đến trong việc so sánh để lựa chọn trường học, những điểm cần tránh khi sử dụng thẻ tín dụng, giải thích cho trẻ hiểu không nên sử dụng thẻ tín dụng cho những thứ không thể chi trả…

Bên cạnh đó, khách hàng của hệ thống các Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) trên cả nước cũng là đối tượng được quan tâm trong truyền thông giáo dục tài chính toàn diện. TS. Trần Thanh Long, Phó Giám Phân viện Phú Yên (Học viện Ngân hàng) đánh giá, giáo dục tài chính cho khách hàng của QTDND hiểu được khái niệm cơ bản về tài chính, từ đó hiểu được cách thức quản lý tài chính hộ gia đình; góp phần nâng cao các kiến thức và kỹ năng kinh doanh của khách hàng.

Đặc biệt, người vay phân tích được quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong quá trình sử dụng dịch vụ của QTDND; có kỹ năng xử lý các nhu cầu cấp bách mà không phải vay vốn tín dụng đen…. Giáo dục tài chính toàn diện nhằm nâng cao kiến thức tài chính cho khách hàng cũng là nền tảng để các QTDND có thể triển khai, mở rộng sản phẩm, dịch vụ.

Đa dạng các hình thức giáo dục tài chính

Tuy nhiên, tại hội thảo TS. Nguyễn Thị Hiền cũng thẳng thắn nhìn nhận một số bất cập trong quá trình giáo dục tài chính toàn diện tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam chưa có Chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính; nội dung chương trình còn thiếu tính thực tiễn, chỉ hướng tới kỹ năng tài chính, ít tác động đến các yếu tố nhận thức và cảm nhận, còn bỏ trống đối tượng trẻ từ 3-6 tuổi; vai trò của cha mẹ trong truyền tải kiến thức tài chính chưa được phát huy…

Vì vậy, theo bà Hiền, cần phải có một cách tiếp cận tổng thể đối với vấn đề phổ biến kiến thức tài chính, trong đó cân nhắc đến việc xây dựng một chiến lược tổng thể và tiếp tục tuyên truyền, phổ biến để thay đổi quan điểm xã hội về việc giáo dục tài chính sớm cho trẻ em.

Cùng chung nhận định này, TS. Trần Thanh Long cũng đánh giá, hiệu quả các chương trình giáo dục tài chính đã triển khai còn chưa tiếp cận được một số đối tượng, chưa có chương trình đào tạo đặc thù cho từng đối tượng, phương pháp giảng dạy truyền thống có lúc chưa phát huy được hiệu quả. Nguyên nhân xuất phát từ một số khó khăn như thiếu sự thấu hiểu và ủng hộ của các bên liên quan như chính quyền địa phương, trường học, quỹ tín dụng nhân dân, phụ huynh; thiếu nguồn tài chính bền vững…

Để khắc phục được những hạn chế này, ứng dụng công nghệ số trong giáo dục tài chính toàn diện là giải pháp cần ưu tiên. Theo ông Phạm Xuân Hòe, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, cần đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hình thức giáo dục, đào tạo tài chính có thể sử dụng trên điện thoại thông minh dưới nhiều hình thức, phù hợp với đặc tính nhân khẩu học của từng đối tượng; xúc tiến việc xây dựng bộ khung tiêu chí về am hiểu tài chính đối với cá nhân, tiến hành ứng dụng công nghệ 4.0 ngay trong quá trình thu thập, lưu trữ dữ liệu quốc gia về am hiểu tài chính cá nhân.

Đặc biệt, chương trình giáo dục tài chính quốc gia cần chính thức luật hóa, đổi mới tư duy trong giáo dục là rất cần thiết ở Việt Nam.

Dưới góc nhìn cá nhân, TS. Đinh Thị Thanh Vân, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Tài chính – Ngân hàng, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) bổ sung thêm, giáo dục tài chính cần có nhiều hình thức đa dạng để phù hợp với trình độ, hoàn cảnh, nhận thức của từng nhóm đối tượng. Giáo dục tài chính cũng cần bắt đầu từ sớm và học tập suốt đời bằng việc đưa vào các chương trình đào tạo ở cấp phổ thông, đại học cho đến người lao động. Giáo viên giảng dạy tài chính nên sử dụng các nguồn lực miễn phí trên thế giới và tại Việt Nam để phát huy tối đa khả năng chuyên môn, tăng tiếp cận với nhiều đối tượng.

Chia sẻ về định hướng hoạt động truyền thông giáo dục tài chính của Vụ Truyền thông NHNN trong thời gian tới, bà Lê Thị Thúy Sen cho biết, đơn vị hướng tới truyền thông giáo dục tài chính trên đa dạng các phương tiện truyền thông, đặc biệt đẩy mạnh truyền thông trên truyền hình vào khung giờ vàng; tiếp tục đổi mới các hình thức truyền thông theo hướng nắm bắt các xu hướng trên thế giới, các xu hướng truyền thông hiện đại mà công chúng quan tâm, sử dụng nhiều. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông giáo dục tài chính trong hệ thống giáo dục phổ thông, đại học trên toàn quốc…

Nguồn: thoibaonganhang.vn

Tag: ,