TỌA ĐÀM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢNG DẠY TẠI PHÂN VIỆN PHÚ YÊN

Thứ sáu, Ngày 18 tháng 11 năm 2022 05:03 PM

Vào 14h ngày 17/11/2022, nhằm hướng tới chào mừng 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1092 – 20/11/2022), Học viện Ngân hàng – Phân viện Phú Yên tổ chức Toạ đàm: “Nâng cao chất lượng giảng dạy tại Học viện Ngân hàng – Phân viện Phú Yên”.

TS. Trần Thanh Long – Phó Giám đốc Phân viện – Phát biểu khai mạc và điều hành buổi Toạ đàm

ThS. Bùi Thị Hồng Chinh trình bày tham luận: “Đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao tính chủ động học tập của sinh viên HVNH-PVPY

 Bài tham luận phân tích, đánh giá thực trạng về phương pháp giảng dạy của giảng viên và hướng dẫn sinh viên học tập tại Học viện Ngân hàng – Phân Viện Phú Yên; từ đó, đề xuất giải pháp đổi mới phương pháp dạy học và có những hướng dẫn phù hợp nhằm nâng cao tính chủ động học tập của sinh viên, đáp ứng yêu cầu chất lượng đào tạo trong thời đại mới. Một số giải pháp nổi bật như sau:

·         Đối với giảng viên: (i) Cần linh hoạt và đa dạng hóa các phương pháp giảng dạy để áp dụng vào bài giảng, trong một buổi học, đừng chỉ áp dụng thuyết giảng mà phải kết hợp tương tác, dạy theo nhóm, áp dụng các phần mềm hỗ trợ giảng dạy để tạo hứng thú cho sinh viên; (i) đưa ra vấn đề và yêu cầu sinh viên phải giải quyết theo cá nhân, theo nhóm, tránh để sinh viên mất tập trung trong tiết học; (iii) cần lồng ghép giảng dạy qua hoạt động đi thực tế để sinh viên vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, kích thích tư duy, khả năng chủ động, sáng tạo trong việc lý giải kiến thức, tình huống, hiểu sâu hơn và phát triển các kỹ năng mềm cần thiết; (iv) cần giới thiệu và hướng dẫn sinh viên tiếp cận các tài liệu qua Cổng thông tin thư viện để giúp sinh viên bổ sung kiến thức và nghiên cứu; (v) cần định hướng và hỗ trợ sinh viên nhiều hơn trong công tác nghiên cứu khoa học, điều này sẽ giúp sinh viên phát triển tư duy, chịu khó học hỏi, học tốt hơn ở các môn học sau này.

·         Đối với Phân viện Phú Yên: (i) tổ chức hướng dẫn sinh viên sử dụng phần mềm LMS thành thạo để phục vụ việc học tập, đề xuất khắc phục các hạn chế từ phần mềm LMS, LMS cần liên kết với email cá nhân của sinh viên để tiện trong việc thông báo học tập; (ii) cần phủ sóng wifi giảng đường để giảng viên và sinh viên cùng tương tác qua các ứng dụng hỗ trợ học tập; (iii) cần đẩy mạnh tổ chức Hội thảo nghiên cứu khoa học sinh viên để phát huy khả năng nghiên cứu, tìm tòi, chủ động trong sinh viên. Kỷ yếu Hội thảo có thể lưu ở bản điện tử để tiết kiệm chi phí in ấn. Công tác tổ chức Hội thảo có thể phối hợp giữa các Khoa/Bộ môn và Đoàn thanh niên – Hội sinh viên.

ThS. Trần Thị Dung Linh trình bày tham luận: Nâng cao chất lượng đào tạo thông qua hoạt động đào tạo gắn kết với thực tiễn”.

Bài tham luận phân tích, đánh giá thực trạng về công tác đào tạo thông qua hoạt động đào tạo gắn kết với thực tiễn tại Học viện Ngân hàng – Phân viện Phú Yên; từ đó, đề xuất giải pháp. Cụ thể:

·         Đối với HVNH-PVPY: (i) đối với đội ngũ giảng viên, ngoài việc nâng cao chất lượng về mặt chuyên môn, cần phải nâng cao các kiến thức thực tiễn thông qua việc đi thực tế; (ii) khuyến khích các em sinh viên tham gia NCKH. Tăng cường hơn nữa công tác hướng dẫn SV NCKH; (iii) tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các sinh viên tham gia các chương trình trải nghiệm thực tế tại ngân hàng/doanh nghiệp; (iv) tạo điều kiện cho các em sinh viên có thời gian thực hành nghề nghiệp tại ngân hàng với khoảng thời gian lâu hơn để các em quen với công việc.

·         Đối với sinh viên: (i) nắm vững lý thuyết; (ii) nâng cao ý thức và thái độ làm việc: phải đi đúng giờ, đồng phục chỉnh chu, phải biết cách cư xử sao cho đúng mực với cấp trên cũng như các anh chị hướng dẫn cho mình. Phải tôn trọng quy tắc và tuân theo quy định mà ngân hàng đã đặt ra; (iii) rèn luyện kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày, kỹ năng phân tích; (iv) tích cực nghiên cứu khoa học: việc NCKH ngoài việc giúp các em tiếp cận với các vấn đề thực tiễn mà còn giúp các em rèn luyện các kỹ năng mềm khác như: kỹ năng trình bày, viết báo cáo, kỹ năng phân tích…

TS. Lê Văn Thịnh trình bày tham luận: Ứng dụng công nghệ thông tin: Nhìn lại quá khứ và bước tiếp cho tương lai

 Bài tham luận phân tích vai trò của công nghệ thông tin trong giảng dạy theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu:

·         Dr. Ruben R. Puentedura thì: Substitution: Công nghệ thông tin thay thế bảng và phấn; Augmentation: Công nghệ thông tin đã nâng cao hoạt động giảng dạy; Modification: Công nghệ thông tin đã bổ sung và mở rộng hoạt động giảng dạy; Redefinition: Công nghệ thông tin đã định nghĩa lại hoạt động giảng dạy theo một hướng khác

·         Hughes (2005): Tích hợp công nghệ (Technology Integration) trong giảng dạy mang lại 3 mức độ ý nghĩa: Replacement (Thay thế), Amplification (Mở rộng), Transformation (Thay đổi).

Từ những nội dung lý thuyết đó, các GV trong phân viện đã thảo luận các nội dung:

         Thầy cô vui lòng miêu tả hoạt động mà thầy cô sử dụng thiết bị công nghệ thông tin?

         Thầy cô hãy miêu tả hoạt động mà học sinh có thể học bất kì nơi nào?

         Thầy cô hãy miêu tả hoạt động mà sử dụng công nghệ thông tin để trải nghiệm thật sự?

ThS. Lê Thị Thanh Huyền trình bày tham luận: “Tạo động lực làm việc cho đội ngũ giảng viên nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và NCKH”.

Bài tham luận phân tích, đánh giá thực trạng về tạo động lực cho giảng viên tại Học viện Ngân hàng – Phân viện Phú Yên; từ đó, đề xuất giải pháp. Một số giải pháp về tạo động lực giảng viên như sau:

·         Về đặc điểm tổ chức: (i) Xây dựng được nội bộ đoàn kết thống nhất cao. Thực hiện chế độ dân chủ trong nhà trường, mọi chế độ, chính sách được công khai hóa, quán triệt đến mọi thành viên trong trường, đảm bảo thực thi đầy đủ và kịp thời; (ii) tiếp nhận phản hồi ý kiến đóng góp nhanh chóng từ các GV, để họ luôn an tâm trong công việc để phục vụ tốt nhất về chuyên môn; (iii) cần có bảng mô tả chi tiết về công việc và vị trí của từng nhân viên trong công việc của trường; (iv) xây dựng bộ quy tắc ứng xử tại nơi làm việc.

·         Cải thiện mối quan hệ công việc: Ngoài các chính sách đãi ngộ cơ bản cho GV đã đảm bảo sự công bằng tương đối, nhà lãnh đạo nên sắp xếp công việc phù hợp với khả năng và kinh nghiệm của GV để tạo điều kiện cho GV phát huy lợi thế của mình. Thường xuyên tổ chức các cuộc họp với GV để lắng nghe ý kiến của họ và bày tỏ nguyện vọng của h.

·         Cơ chế chính sách trả công: Mức thu nhập hiện nay ở các trường ĐH công lâp tính theo cơ chế tiền lương nhà nước quy định, và thu nhập tăng thêm: thu nhập = Lương cơ bản + phụ cấp+ thu nhập tăng thêm…. Trong đó, thu nhập tăng thêm căn cứ vào mức độ hoàn thành công việc. Cần thành lập hội đồng đánh giá mức độ hoàn thành công việc để đánh giá chính xác, khách quan nhiệm vụ, các kỹ năng cần thiết hoàn thành công việc, trách nhiệm công việc…

·         Cơ hội thăng tiến: (i) cần xem xét năng lực và khả năng của từng GV để tạo điều kiện thúc đẩy, xóa bỏ rào cản thông qua việc xem xét dựa trên thâm niên công tác; (ii) ngoài đào tạo phát triển chuyên môn hàng năm, cần đạo tạo riêng cho các GV giỏi và có trình độ để tạo điều kiện cho GV phát triển lên vị trí cao hơn; (iii) Xác định mục tiêu và định hướng rõ ràng trong quá trình thăng tiến để GV phấn đấu, đây là động lực để GV có thể làm việc tốt hơn.

·         Cải thiện ghi nhận đóng góp cá nhân: (i) để đánh giá thành tích, cần sử dụng các tiêu chí đánh giá rõ ràng và phương pháp đánh giá hợp lý, (ii) đặt mục tiêu và nhiệm vụ rõ ràng vì không có mục tiêu, kết quả không thể đo lường dễ dàng và giúp GV thấy rõ mục tiêu cần đạt được; (iii) tổ chức để tôn vinh các GV cho những đóng góp của họ với nhà trường. 

 

ThS. Vũ Thị Huế trình bày tham luận: Sự dịch chuyển ngành nghề và sự thích ứng của sinh viên trong điều kiện mới”.

Bài tham luận trình bày những nội dung chính sau:

·         Sự dịch chuyển ngành nghề sau Covid 19: Có rất nhiều nghiên cứu, bài viết về sự dịch chuyển ngành nghề  trong nước và quốc tế, kèm theo đó là sự dịch chuyển trong ngành  nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội. Cụ thể, ông Trần Anh Tuấn - Chuyên gia dự báo nhân lực, Phó chủ tịch Hội giáo dục  nghề nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đã có nhận định: “Dễ dàng nhận thấy, hậu  đại dịch, xu hướng chuyển dịch của thị trường lao động diễn ra theo hướng: tăng  nguồn nhân lực chất lượng cao, thành thạo công việc chuyên môn, có trí tuệ,  nhân cách nghề nghiệp, có tay nghề vượt trội, có năng lực hoàn thành tốt nhiệm  vụ được giao. Nói cách khác, đội ngũ lao động thuần về kiến thức sách vở, kỹ  năng thấp sẽ được thay thế bằng đội ngũ lao động có tri thức, gắn liền với công  nghệ và kỹ thuật cao”. Những ngành nghề, công việc thủ công sẽ được thay thế bởi công nghệ và Robot: ghi chép, phục vụ khách hàng, trả lời tự động cho khách hàng… Lao động có trình độ chuyên môn cao, đa ngành, có kỹ năng tốt thì không thể bị đào thải bởi công nghệ và AI.

·         Các yếu tố ảnh hưởng đến xu hướng đào tạo ngành nghề: Công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo; chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, quản trị du lịch, khách sạn, nông nghiệp sạch, thực phẩm sạch, thương mại điện tử, hậu cần và chuỗi quản lý cung ứng, Digital Marketing

·         Sự thích ứng của sinh viên trong thời đại mới: (i) về kiến thức: Chiếm 4% thành công của mỗi cá nhân; (ii) về kỹ năng: Chiếm 26% sự thành công của mỗi cá nhân (iii) về thái độ: Chiếm 70% sự thành công của mỗi cá nhân.

  Một số hình ảnh của buổi Toạ đàm.

Tag: ,